Tạp chí Y học Dự phòng
Latest Publications


TOTAL DOCUMENTS

436
(FIVE YEARS 436)

H-INDEX

1
(FIVE YEARS 1)

Published By Tap Chi Y Hoc Du Phong (Vietnam Journal Of Preventive Medicine-VJPM)

0868-2836

2021 ◽  
Vol 31 (9 Phụ bản) ◽  
pp. 303-311
Author(s):  
Nguyễn Thị Thu Huyền ◽  
Lương Mai Anh ◽  
Trần Anh Thành
Keyword(s):  

Nghiên cứu được tiến hành nhằm mô tả thực trạng mắc bệnh nghề nghiệp ở người lao động (NLĐ) được ghi nhận tại cơ sở y tế của 63 tỉnh/thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Nghiên cứu hồi cứu sử dụng bộ số liệu có sẵn cho thấy: có 2120 trường hợp bệnh nghề nghiệp, gặp chủ yếu ở nam giới (91,7%). Bệnh thường xuất hiện ở nhóm tuổi trên 40 (78%) và ở nhóm tuổi nghề trên 10 năm (65,7%). Trong giai đoạn này, bệnh nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam là bệnh điếc do tiếng ồn (59,5%) và bệnh bụi phổi khác (17,1%) cũng như bệnh bụi phổi silic (11,9%). Tuy nhiên, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh bụi phổi và bệnh bụi phổi silic cao hơn nhiều so với bệnh điếc nghề nghiệp. Các chương trình can thiệp phòng, chống bệnh nghề nghiệp tại Việt Nam cần tiếp tục triển khai tập trung cho cả hai nhóm bệnh điếc và bụi phổi.


2021 ◽  
Vol 31 (9 Phụ bản) ◽  
pp. 212-219
Author(s):  
Ngô Thị Hiếu Minh ◽  
Đặng Văn Xuyên ◽  
Hoàng Thuỳ Dương ◽  
Nguyễn Thị An

Nghiên cứu mô tả hồi cứu số liệu nhằm mô tả đặc điểm dịch tễ học bệnh nhân vào viện do chấn thương tại bệnh viện đa khoa Đức Giang, thành phố Hà Nội năm 2020. Số liệu được thu thập từ phần mềm OneHIS với 3533 bệnh nhân chấn thương từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2020. Kết quả cho thấy 70,3% bệnh nhân là nam giới, 10,1% dưới 15 tuổi và 78,5% là người trưởng thành, số liệu nhập viện do chấn thương cao nhất ở tháng 5 (355 ca). Số ca mắc theo địa điểm có 54,5% ở ngoài đường và 18,4% tại nhà. Các chi, mặt và đầu là cơ quan bị tổn thương nhiều nhất (74,6%). Kết quả điều trị 0,3% tử vong và trung bình thời gian nằm viện là 5,0 ngày. Từ kết quả nghiên cứu cần có các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ chấn thương ở nam giới, độ tuổi 15 - 60 và tai nạn do giao thông.


2021 ◽  
Vol 31 (9 Phụ bản) ◽  
pp. 131-137
Author(s):  
Phan Thị Huyền Trang ◽  
Nguyễn Thị Kim Quyên ◽  
Nguyễn Mạnh Tuyến ◽  
Vũ Thị Thanh Hương

Nghiên cứu nhằm mô tả thực trạng tuân thủ điều trị của bệnh nhân ngoại trú đang điều trị bệnh tăng huyết áp. Đây là nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 405 bệnh nhân tuổi từ 25 tuổi trở lên  đang điều trị ngoại trú tại khoa Khám -Bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên năm 2020. Số liệu được thu thập thông qua việc phỏng vấn trực tiếp dựa trên bộ câu hỏi đã soạn sẵn. Kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị tăng  huyết áp là 16%. Trong đó,  tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ chế độ dùng thuốc liên tục, lâu dài đạt 68,4%. Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ chế độ ăn hạn chế muối, ăn nhiều rau xanh hoa quả tươi và hạn chế sử dụng rượu bia chất kích tích đạt đều trên 50%. Có 57,3% bệnh nhân tuân thủ điều trị về chế độ luyện tập thể dục thể thao. Như vậy, tỉ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị tăng huyết áp ở mức thấp. Do đó việc tư vấn đầy đủ về tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân là rất cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng điều trị bệnh.


2021 ◽  
Vol 31 (9 Phụ bản) ◽  
pp. 102-107
Author(s):  
Trần Thị Thanh ◽  
Nguyễn Thị Tú Trang ◽  
Phạm Mạnh Tường ◽  
Hồ Thị Thuận ◽  
Trần Thị Thu Phương

Một nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 305 người từ 50 tuổi trở lên tại một phường của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Mục tiêu nghiên cứu là xác định tỷ lệ tăng huyết áp (THA) và mô tả một số yếu tố liên quan ở những người từ 50 tuổi trở lên tại phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào năm 2020. Kết quả cho thấy tỷ lệ tiền THA là 22,6%; THA là 31,5%, trong đó THA độ 1, độ 2 và độ 3 lần lượt là 25,5%; 7,9% và 2,0% và có tới 42,1% số người bị THA không biết mình đã bị THA. Một số yếu tố như Tuổi đời, giới tính, tiền sử gia đình, tình trạng nghiện rượu, nghiện thuốc lá, thói quen ăn mặn, ít hoạt động thể lực và có đái tháo đường (ĐTĐ) kèm theo là những yếu tố góp phần làm gia tăng tỷ lệ THA ở cộng đồng này. Nghiên cứu đã cho thấy người dân sống ở khu vực trung tâm thành phố, có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế thường xuyên vẫn có tỷ lệ THA và tiền THA khá cao.


2021 ◽  
Vol 31 (9 Phụ bản) ◽  
pp. 266-273
Author(s):  
Nguyễn Song Tú ◽  
Hoàng Văn Phương ◽  
Nguyễn Hồng Trường ◽  
Trần Thúy Nga
Keyword(s):  

Thiếu máu là vấn đề dinh dưỡng toàn cầu ảnh hưởng tới sức khỏe phụ nữ tuổi sinh đẻ. Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 809 phụ nữ 15 – 35 tuổi tại tỉnh Sơn La nhằm mô tả tình trạng thiếu máu và một số yếu tố liên quan. Kết quả cho thấy tỷ lệ thiếu máu là 28,2%, ở mức trung bình có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng, trong đó mức độ vừa và nặng là 11,4%. Tỷ lệ thiếu máu ở nhóm 15 – 24 tuổi là 33,2% cao khác biệt so với nhóm 25 - 35 tuổi (24,0%). Hồi qui đa biến logistic cho thấy thiếu vitamin A tiền lâm sàng, điều kiện kinh tế hộ gia đình; tiền sử sảy thai liên quan với tình trạng thiếu máu (p < 0,05). Hồi qui đa biến tuyến tính cho thấy nồng độ kẽm và retinol huyết thanh tương quan tuyến tính với nồng độ hemoglobin (p < 0,01). Để phòng chống thiếu máu cần can thiệp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng đặc biệt là vitamin A và kẽm.


2021 ◽  
Vol 31 (9 Phụ bản) ◽  
pp. 258-265
Author(s):  
Nguyễn Song Tú ◽  
Hoàng Nguyễn Phương Linh ◽  
Nguyễn Hồng Trường

Tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ trước khi mang thai là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển tầm vóc của trẻ nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn 1000 ngày đầu đời. Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 809 phụ nữ từ 15 - 35 tuổi tại 10 xã nghèo của hai huyện ở tỉnh Sơn La nhằm mô tả tình trạng dinh dưỡng và đặc điểm cấu trúc cơ thể. Kết quả cho thấy cân nặng trung bình (TB) của đối tượng nghiên cứu (ĐTNC) là 48,3 kg; tỷ lệ cân nặng thấp là 31,4%; và chiều cao TB là 152,3 cm, tỷ lệ chiều cao thấp 7,3%; tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi ở nhóm 15 - 19 là 29,5% và thiếu năng lượng trường diễn (CED) ở nhóm 20 -35 là 18,8% chủ yếu là CED độ 1 (14,0%).  Chỉ số khối cơ thể, phần trăm mỡ, khối lượng mỡ tăng dần theo tuổi và khác biệt theo từng nhóm tuổi. Vì vậy, cần có những giải pháp can thiệp cải thiện tình trạng dinh dưỡng PNTSĐ miền núi để góp phần nâng cao tầm vóc trẻ giai đoạn trưởng thành.


2021 ◽  
Vol 31 (9 Phụ bản) ◽  
pp. 170-177
Author(s):  
Nguyễn Thị Hoa ◽  
Nguyễn Thị Ngọc Huyền
Keyword(s):  

Nghiên cứu mô tả cắt ngang được tiến hành trên 216 bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện trường Đại học Y Dược Thái Nguyên nhằm mô tả mối liên quan giữa nồng độ non-HDL-C huyết tương với nguy cơ bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2. Kết quả cho thấy nồng độ non-HDL - C là 4,00 ± 1,09 mmol/L, tỷ lệ tăng non-HDL-C là 46,3%. Nồng độ và tỷ lệ rối loạn một số chỉ số lipid huyết tương khác gồm cholesterolTP, triglycerid, HDL-C, LDL-C, tương ứng là 5,11 ± 1,09 mmol/L; 44,9%, 2,65 ± 1,63 mmol/L; 71,3%, 1,10 ± 0,28 mmol/L; 44,9%, 2,94 ± 0,97 mmol/L; 44,9%. Có 40,4% số bệnh nhân có nồng độ LDL - C trong giới hạn bình thường nhưng tăng nồng độ non-HDL-C. Có mối tương quan thuận, mức độ khá chặt, có ý nghĩa giữa nồng độ nonHDL - C với nồng độ LDL - C huyết tương với r = 0,73; p < 0,05. Có mối tương quan thuận, mức độ yếu, có ý nghĩa giữa nồng độ non-HDL - C với nguy cơ mắc BTM 10 năm với r = 0,23; < 0,05. Cần đánh giá nồng độ non-HDL-C ở bệnh nhân đái tháo đường vì có tỷ lệ khá cao bệnh nhân có nồng độ LDL-C đạt mục tiêu nhưng nồng độ non-HDL-C tăng.


2021 ◽  
Vol 31 (9 Phụ bản) ◽  
pp. 162-169
Author(s):  
Nguyễn Thị Lan Hương ◽  
Hoàng Thị Thanh Huệ ◽  
Trần Thế Anh

Nghiên cứu cắt ngang được tiến hành trên 150 bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 điều trị ngoại trú tại bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2020. Nghiên cứu nhằm mô tả kiến thức, thực hành về dinh dưỡng trên người bệnh ĐTĐ điều trị ngoại trú tại BVĐK tỉnh Phú Thọ năm 2020. Kết quả chung có 38% người bệnh đạt về kiến thức, 34% đạt về thực hành. Trong đó 50,7% đối tượng đạt về kiến thức các nguyên tắc chế độ ăn, 66% đối tượng tham gia nghiên cứu kể được 03 thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (GI > 70), 42,7% đối tượng tham gia kể được 03 thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI < 55). Các yếu tố ảnh hưởng tới kiến thức, thực hành dinh dưỡng của người bệnh là nghề nghiệp, ăn 1 mình hay ăn cùng với gia đình.


2021 ◽  
Vol 31 (9 Phụ bản) ◽  
pp. 145-152
Author(s):  
Huỳnh Nguyễn Phương Quang ◽  
Huỳnh Nguyễn Phương Thảo

Bệnh mãn tính ngày càng xuất hiện nhiều ở người cao tuổi (NCT) trong cộng đồng là một trong những vấn đề cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Nghiên cứu nhằm mục tiêu mô tả thực trạng mắc bệnh mãn tính và một số yếu tố liên quan ở người cao tuổi quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ năm 2020. Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 438 người cao tuổi tại 6 trong tổng số 11 phường của quận Ninh Kiều cho thấy 82,6% NCT tại quận Ninh Kiều hiện đang mắc ít nhất một bệnh mãn tính. Trong đó năm bệnh mãn tính thường gặp nhất ở NCT trong nghiên cứu là tăng huyết áp (48,9%), bệnh về khớp (24,4%), giảm thị lực (22,4%), đái tháo đường (14,4%) và loãng xương (11,9%). Ghi nhận các yếu tố liên quan đến tỉ lệ mắc bệnh mãn tính ở người cao tuổi bao gồm: nhóm tuổi (p = 0,003), công việc hiện tại (OR = 2,1; KTC 95%: 1,2 - 3,9; p = 0,012), trình độ học vấn (OR = 1,8; KTC 95%: 1,1 - 3,1; p = 0,023), tình trạng hôn nhân hiện tại (OR = 2,3; KTC 95%: 1,3 – 4,2; p = 0,004); hút thuốc lá (OR = 2,0; KTC 95%: 1,0 - 3,6; p = 0,009) và uống rượu bia quá mức thường xuyên trong 6 tháng qua (OR = 2,0; KTC 95%: 1,2 - 3,7; p = 0,019). Tỉ lệ mắc bệnh mãn tính ở NCT tại quận Ninh Kiều thuộc mức cao. Cần có những biện pháp quản lý, hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ phù hợp với các nhóm đối tượng có nguy cơ.


2021 ◽  
Vol 31 (9 Phụ bản) ◽  
pp. 12-24
Author(s):  
Lại Đức Trường ◽  
Trần Quốc Bảo ◽  
Viên Chinh Chiến ◽  
Ngô Thị Hải Vân ◽  
Trịnh Thị Thu Hương
Keyword(s):  

Bệnh không lây nhiễm (KLN) là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong ở Việt Nam. Tuy nhiên, phòng chống bệnh KLN còn rất nhiều hạn chế nhất là các hoạt động tại cộng đồng do chưa có cách tiếp cận phù hợp. Nhằm góp phần nâng cao hiểu biết về bệnh KLN, đồng thời giúp đưa ra mô hình phù hợp trong QLĐT bệnh KLN tại cộng đồng tác giả đã thực hiện bài viết này. Thông tin được thu thập chủ yếu từ các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các văn bản của Bộ Y tế và được tìm kiếm thông qua công cụ tìm kiếm của google. Các thông tin được phân tích và tổng hợp theo các mục theo như yêu của một bài tổng quan. Phần một của bài viết là giới thiệu chung về bệnh KLN, từ khái niệm, các bệnh chính, gánh nặng và nguyên nhân của bệnh. Phần này nhằm giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về bệnh KLN. Phần hai nói về các yêu cầu đối với QLĐT bệnh KLN và một số mô hình trong QLĐT bệnh KLN tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trong đó tập trung vào giới thiệu cách tiếp cận y tế công cộng (YTCC) trong QLĐT bệnh KLN tại trạm y tế (TYT) của Việt Nam. Đây là cách tiếp cận mới với mục đích là nhanh chóng giảm khoảng trống điều trị cho người dân.


Sign in / Sign up

Export Citation Format

Share Document