KỸ THUẬT VÀ CÔNG NGHỆ
Latest Publications


TOTAL DOCUMENTS

49
(FIVE YEARS 49)

H-INDEX

0
(FIVE YEARS 0)

Published By Ho Chi Minh City Open University

2734-9594, 2734-9322

2021 ◽  
Vol 16 (1) ◽  
pp. 156-168
Author(s):  
Nguyễn Hoàng Thảo Phương ◽  
Trương Thị Như Ngọc
Keyword(s):  
Viet Nam ◽  

Mô hình học tập trải nghiệm của Kolb (1984) đã được các nhà nghiên cứu ứng dụng rất nhiều ở các môn học và ngành học khác nhau và ở nhiều cấp bậc học khác nhau. Tuy nhiên, đối với môn học Đồ án trong chương trình đào tạo bậc đại học ngành kiến trúc thì hiện nay mô hình này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Do đó, bài viết này là bài viết đầu tiên đề cập chi tiết cách thức vận dụng lý thuyết của mô hình học tập trải nghiệm của Kolb vào việc xây dựng các bước thiết kế khóa học trải nghiệm, giúp nâng cao chất lượng môn học Đồ án của sinh viên ngành kiến trúc tại Việt Nam và tìm hiểu tính hiệu quả của việc áp dụng mô hình này để thiết kế một chuyến đi trải nghiệm cụ thể. Chuyến đi học tập trải nghiệm đến thành phố Đà Lạt cụ thể bao gồm 40 sinh viên đến từ ba trường đại học khác nhau, ba kiến trúc sư hàng đầu của Việt Nam và bốn Giảng viên có kinh nghiệm. Sau chuyến đi học tập trải nghiệm, sinh viên được yêu cầu chiêm nghiệm về chuyến đi và viết suy nghĩ của họ vào một trang văn bản của ứng dụng Google Docs được tạo ra cho từng cá nhân và chia sẻ trong một thư mục chung trên Google Drive cho những người tham gia. Kết quả nghiên cứu từ dữ liệu định tính thu thập ngẫu nhiên từ sự chiêm nghiệm được trình bày trên trang cá nhân Google Docs của 07 trong số 40 sinh viên tham gia chuyến đi học tập trải nghiệm cho thấy chuyến đi học tập trải nghiệm gia tăng sự hứng thú và hài lòng về việc học tập của cá nhân, tạo cảm xúc tích cực, tăng cường kỹ năng giao tiếp và networking, khả năng cảm nhận về tư duy thiết kế và nâng cao niềm tin về năng lực của bản thân.


2021 ◽  
Vol 16 (1) ◽  
pp. 47-61
Author(s):  
Nguyễn Hồng Thủy

Tại Tiền Giang, một sản phẩm khoa học công nghệ của Trung tâm Đấu tranh sinh học (trực thuộc Viện Bảo vệ thực vật) - chế phẩm bón gốc (Phân hữu cơ vi sinh Bioroot) sau đây gọi tắt là Bioroot - đã được chuyển giao cho Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang) từ 12/2006 đến tháng 12/2010 trong khuôn khổ Dự án nông thôn miền núi “Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất rau - quả an toàn” nhằm góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng và môi trường. Bioroot sau đó tiếp tục được nghiên cứu ứng dụng ở vùng rau chuyên canh của tỉnh Long An từ năm 2012-2015 cùng các loại chế phẩm sinh học khác trên đối tượng rau ăn lá, rau gia vị, rau ăn quả, trong đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP tại ba huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa tỉnh Long An” nhằm tìm ra các loại chế phẩm sinh học có khả năng hỗ trợ duy trì năng suất, chất lượng rau khi phải giảm lượng phân đạm bón cho cây, nhất là vào giai đoạn cuối và đảm bảo thời gian cách ly phân đạm trước khi thu hoạch để các loại rau ăn lá, rau gia vị, rau ăn quả phù hợp yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một sản phẩm khoa học công nghệ được chuyển giao thông qua một dự án nông thôn miền núi từ cơ quan nghiên cứu ứng dụng cấp trung ương xuống cơ quan nghiên cứu ứng dụng cấp địa phương. Trong thời gian dài, sản phẩm đã được địa phương tiếp nhận, thử nghiệm, nghiên cứu ứng dụng trên nhiều đối tương cây trồng khác nhau cho thấy sự phù hợp của sản phẩm này với nhiều chủng loại cây trồng tại địa phương, đồng thời cũng phù hợp với các tiêu chí sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.


2021 ◽  
Vol 16 (1) ◽  
pp. 5-24
Author(s):  
Lê Thi Trúc Linh ◽  
Lê Huyền Ái Thuý
Keyword(s):  
P38 Mapk ◽  

MicroRNA (miR, miRNA) là một phân tử RNA nhỏ có chiều dài từ 20 đến 25 nucleotide quy định sự biểu hiện của gene bằng cách liên kết đặc hiệu với trình tự 3’UTR trên mRNA đích. Trước đây, chúng tôi nhận thấy miR-146b-5p tuần hoàn tăng đáng kể trong huyết thanh của bệnh nhân Thoái Hoá Khớp (THK) và có thể có tiềm năng rất lớn để chẩn đoán bệnh sớm. Tuy nhiên, chức năng của miRNA này trong THK vẫn chưa được biết và cần được xác định. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định chức năng miR-146b-5p trong tế bào chondrocyte. Công cụ tin sinh học được thực hiện để dự đoán các con đường tín hiệu tiềm năng có tương tác với miRNA-146b-5p trong tế bào chondrocyte. Trong đó dữ liệu giải trình tự thế hệ mới cho mRNA có thể được biểu hiện trong tế bào khớp có sẵn trước đó được sử dụng. Dữ liệu cho thấy miR-146b-5p có thể tương tác với một số con đường tín hiệu quan trọng bao gồm Wnt, Notch, Toll like receptor, P38 MAPK, Anti apoptosis, Adhesion, Cadherin, Intergin. Do đó, sự biểu hiện bất thường của microRNA 146-5p có thể dẫn đến đến thoái hoá khớp ít nhất có thể là do rối loạn các đường truyền tín hiệu này.


2021 ◽  
Vol 16 (1) ◽  
pp. 112-125
Author(s):  
Lương Hiếu Ngân ◽  
Hồ Thị Bích Phượng ◽  
Nguyễn Như Thành ◽  
Hoàng Thị Thuỳ ◽  
Cao Tiến Sang ◽  
...  

Bản đồ liên kết phân tử với mật độ chỉ thị cao cần được xác định trước khi thực hiện chọn giống bằng DNA marker trong đó các chỉ thị này có sự liên kết chặt với các tính trạng quan tâm. SSR (Simple Sequence Repeat - Trình tự lặp lại đơn giản) là một marker phân tử được dùng để xây dựng bản dồ liên kết phân tử và có thể phân biệt được các dạng dị hợp và đồng hợp của gene. Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng bộ chỉ thị SSR có liên kết với các tính trạng quan trọng trong chọn giống dưa leo và xác định được điều kiện tối ưu cho phản ứng PCR khuyếch đại DNA dưa leo từ những SSR này. Thực hiện khai thác in silico để xây dựng bộ dữ liệu SSR. Tối ưu hoá phản ứng PCR bằng chạy gradient nhiệt độ cho các mồi SSR. Chúng tôi đã xác định được 52 SSR có liên kết với các tính trạng quan trọng trong chọn giống dưa leo. Điều kiện nhiệt độ bắt cặp tối ưu 46 SSR trong phản ứng PCR khuếch đại DNA dưa leo đã được xác định. Đây là dữ liệu quan trọng cho bước sàng lọc các cây phân ly trong quá trình chọn giống dưa leo tiếp sau đó.


2021 ◽  
Vol 16 (1) ◽  
pp. 25-33
Author(s):  
Trương Quốc Tất ◽  
Phùng Thị Thúy Liễu ◽  
Nguyễn Thị Phương Trang ◽  
Nguyễn Duy Khánh
Keyword(s):  

Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá sự ảnh hưởng của nhiệt độ sấy đến hàm lượng của các hợp chất có giá trị sinh học trong cây rau càng cua (Peperomia pellucida L.) và hoạt tính chống oxy hóa của dịch trích của nó. Cây rau càng cua được sấy ở các mức nhiệt độ 50, 60, 70 và 80ºC đến độ ẩm đạt ≤ 10%, sau đó rau càng cua khô được nghiền và rây để thu bột mịn. Bột rau càng cua được trích ly bằng ethanol 70%, thu dịch và tiến hành phân tích các chỉ tiêu polyphenol tổng số (TPP), sắc tố carotenoids, chlorophyll và phần trăm gốc tự do DPPH bị khử. Kết quả nghiên cứu khi sấy rau càng cua ở nhiệt độ 50 - 80ºC, hàm lượng TPP dao động trong khoảng 6.65 - 12.88 (mgGAE/g DM), carotenoids dao động trong khoảng 96.88 - 132.78 (µg/g DM), chlorophyll a và b lần lượt dao động trong khoảng 800.5 – 1,205.60 (µg/g DM) và 560.94 - 665.40 (µg/g DM) và phần trăm khử gốc tự do DPPH dao động trong khoảng 53.73 - 69.54%. Các mẫu rau càng cua được sấy ở nhiệt độ 70ºC giữ lại hàm lượng TPP, khả năng chống oxy hóa tốt hơn và đồng thời giữ lại màu sắc khá tốt so với 3 mẫu còn lại.


2021 ◽  
Vol 16 (1) ◽  
pp. 102-111
Author(s):  
Lê Huyền Ái Thúy ◽  
Lao Duc Thuan ◽  
Nguyễn Hoàng Mai ◽  
Phan Hoàng Đại ◽  
Nguyễn Trương Kiến Khương ◽  
...  
Keyword(s):  
Its Rdna ◽  

Mẫu nấm Hương Sapa (Ký hiệu Len026) được thu hái tại vùng rừng núi xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lào Cai vào cuối tháng 05 năm 2019 khi đang phát triển trên các thân cây lá rộng mục. Các đặc điểm hình thái bên ngoài như màu nâu đỏ (khi ẩm ướt) chuyển sang vàng nâu, kèm các vết nứt nhẹ (khi khô) của mũ nấm cùng các vảy sợi trên bề mặt mũ, lớp thịt mũ mỏng, mép mũ cuộn khi non duỗi phẳng đến hơi vểnh lên khi già; Các đặc điểm hiển vi như cấu tạo dạng elip của bào tử và đặc biệt là sự tồn tại của các liệt bào cạnh (pleurocystidia) và liệt bào đỉnh (cheilocystidia) cho thấy mẫu nấm này mang khá nhiều đặc điểm pha trộn của cả 03 loài Lentinula edodes, Lentinula lateritia và Lentinula boryana, là những loài loài đã được nhận định có thể tồn tại ở nước ta. Tuy nhiên, các dẫn liệu phân tích đoạn ITS rDNA cho mẫu nấm Hương trên lại cho thấy đây là loài Lentinula edodes. Giống thuần của chủng nấm này đã được phân lập từ mô thịt quả thể. Trong điều kiện nuôi trồng nhân tạo trên cơ chất mạt cưa gỗ cao su nấm sinh trưởng và phát triển rất tốt. Mặc dù hiệu suất sinh học của chủng Len026 còn khá thấp nhưng với các đặc điểm như: tốc độ tăng trưởng hệ sợi và quá trình nâu hóa hệ sợi nhanh cũng như khả năng hình thành mầm nấm rất mạnh cho thấy đây là một chủng nấm tiềm năng dùng làm nguyên liệu lai tạo giống nấm mới phục vụ công nghệ nuôi trồng nấm Hương của địa phương.


2021 ◽  
Vol 16 (1) ◽  
pp. 62-78
Author(s):  
Nguyễn Minh Thư ◽  
Lê Văn Trình ◽  
Đặng Minh Thành ◽  
Trương Hải Nhung

Mục tiêu: Nghiên cứu này nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của tế bào gốc trung mô trên mô hình chuột tổn thương gan do tắc ống dẫn mật. Phương pháp: Chuột Swiss được tiến hành phẫu thuật thắt ống dẫn mật (BDL) để gây bệnh xơ gan. Sau BDL 07 ngày, chuột được tiêm tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn (umbilical cord blood-derived - UCB-MSC) với liều 5 x 105tb/con. Hiệu quả điều trị được đánh giá thông qua tỉ lệ sống chết, các chỉ số sinh hóa (AST, ALT, Albumin) và thay đổi cấu trúc mô học (nhuộm H&E), sự tích lũy collagen trong mô gan (nhuộm Sirius red), sự hoạt hóa tế bào hình sao (nhuộm hóa mô miễn dịch với marker α-SMA). Kết quả: Sau 12 ngày điều trị, so với nhóm đối chứng - PBS, chuột tiêm MSC có tỉ lệ sống cao (100%), giảm tổn thương gan (chỉ số sinh hóa men gan Alb, AST và ALT trung bình lần lượt là 2,016 Dg/L, 432.9 UI/L và 417.7 UI/L), giảm diện tích xơ gan thông qua diện tích hoại tử trung bình là 7.529%, sự tích lũy collagen trong gan trung bình là 1.968% và tỷ lệ dương tính của protein α-SMA là 1.42725%. Kết luận: Bước đầu đánh giá được tính an toàn và hiệu quả điều trị chuột tổn thương gan do tắc ống dẫn mật bằng tế bào gốc trung mô (MSC).


2021 ◽  
Vol 16 (1) ◽  
pp. 142-155
Author(s):  
Lê Ngọc Thanh ◽  
Nguyễn Quang Dũng ◽  
Nguyễn Siêu Nhân ◽  
Nguyễn Phi Hùng ◽  
Lưu Hải Tùng

Bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất Thành phố Đà Lạt đã được thành lập bằng phương pháp phân tích thứ bậc AHP và hệ thông tin địa lý. Mười ba yếu tố/nguyên nhân đã được lựa chọn sử dụng bao gồm độ dốc sườn, địa mạo, lưu vực sông – mật độ sông suối, thạch học – vỏ phong hóa, thổ nhưỡng, cấu trúc địa động lực, đới ảnh hưởng động lực các đứt gãy chính, gia tốc nền, địa chất thủy văn, lượng mưa trung bình năm, hiện trạng sử dụng đất, mật độ xây dựng và hệ thống giao thông. Phân vùng nguy cơ trượt lở đất được kiểm chứng bằng cách so sánh với hiện trạng 214 địa điểm trượt lở đất đã phát hiện từ điều tra, khảo sát thực tế. Kết quả cho thấy 94.8% vị trí địa điểm trượt lở đất phát sinh trong các vùng nguy cơ từ trung bình đến rất cao. Các vùng có nguy cơ trượt lở đất từ rất thấp, thấp, trung bình, cao đến rất cao lần lượt chiếm 21.76%; 36.14%; 21.15%; 15.91% và 5.04% diện tích khu vực nghiên cứu. Độ dốc sườn > 25o, lượng mưa trung bình năm từ 1800-1900mm, mật độ xây dựng > 80% và hệ thống giao thông với bước đệm 20m được coi là các yếu tố/nguyên nhân chủ yếu trong phát sinh trượt lở đất trên địa bàn Thành phố Đà Lạt. Kết quả nghiên cứu là tài liệu khoa học và thực tiễn giúp các nhà quy hoạch và quản lý địa phương sử dụng hợp lý lãnh thổ thành phố có tính đến điều kiện trượt lở đất trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.


2021 ◽  
Vol 16 (1) ◽  
pp. 126-141
Author(s):  
Võ Thị Minh Thảo ◽  
Nguyễn Minh Khánh ◽  
Nguyễn Thị Hạnh Nguyên ◽  
Trần Tuấn Anh ◽  
Phạm Thị Ái Niệm ◽  
...  

Mục tiêu của nghiên cứu này là khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ nhiệt phân đến đặc tính hóa lý của than sinh học từ trấu nhằm ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ sinh học môi trường như làm chất mang trong sản xuất chế phẩm vi sinh và vật liệu lọc thân thiện với môi trường trong xử lý nước thải. Sử dụng các phương pháp phân tích thường quy, phân tích vật liệu (SEM, FTIR, XRD, BET) để đánh giá tính chất than sinh học từ trấu trong khoảng nhiệt phân từ 350-650°C. Khối lượng riêng, pH, EC, khả năng giữ nước và độ tro của than sinh học có xu hướng tăng khi nhiệt độ nhiệt phân tăng trong khi đó hiệu suất tạo than có xu hướng giảm mạnh. Kết quả phân tích cho thấy than sinh học sau khi nung ở 550°C có diện tích bề mặt riêng là 42.22m2/g. Thành phần nguyên tố chủ yếu là C (10.19%), O (52.74%) và Si (36.16%). Kết quả phân tích phổ kế hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR) cho thấy trên bề mặt than sinh học tồn tại liên kết O–H (tần số 3,443.88cm‒1), –CH3 (tần số 2.360cm‒1), –C=O hoặc C=C (tần số 1,600-1,650cm‒1), điểm điện tích không của than ở pHPZC 6.8. Giản đồ nhiễu xạ tia X thấy than sinh học từ trấu có dạng carbon vô định hình khi nung ở 55°C.


2021 ◽  
Vol 16 (1) ◽  
pp. 34-46
Author(s):  
Nguyễn Thị Thanh Thảo ◽  
Nguyễn Thị Trúc Phương ◽  
Nguyễn Thị Trúc Anh ◽  
Lương Thị Mỹ Ngân

Streptococcus agalactiae (GBS) là tác nhân truyền nhiễm hàng đầu gây nhiễm trùng huyết sơ sinh giai đoạn sớm. Tầm soát GBS và tiêm kháng sinh dự phòng ở phụ nữ thai sản có thể giúp ngăn chặn hữu hiệu tỷ lệ nhiễm GBS ở trẻ sơ sinh. Phương pháp truyền thống phát hiện và nuôi cấy GBS trên đĩa thạch máu rất tốn thời gian, công sức và độ nhạy thấp. Nghiên cứu này tiến hành tối ưu hóa phản ứng realtime PCR với cặp mồi và mẫu dò được thiết kế nhằm phát hiện gen đặc hiệu cfb của GBS. Các thí nghiệm tối ưu hóa được thực hiện trên chủng S. agalactiae ATCC 13813. Độ đặc hiệu của quy trình tối ưu được kiểm tra trên DNA của chủng Staphylococcus aureus ATCC 25923, Gardnerella vaginalis và Chlamydia trachomatis. Ngoài ra, quy trình tối ưu được thử nghiệm trên 30 mẫu dịch phết âm đạo-trực tràng của phụ nữ mang thai trong giai đoạn 35-37 tuần. Quy trình tối ưu đặc hiệu với chủng GBS, có độ nhạy 50 bản sao/phản ứng, độ chính xác 99.94%, và hiệu quả khuếch đại EA% = 94.5%. Trong số 30 mẫu thử nghiệm, 10 mẫu được phát hiện là có hiện diện của GBS, trong khi nuôi cấy truyền thống chỉ phát hiện 08 mẫu có GBS.


Sign in / Sign up

Export Citation Format

Share Document